Top 5 page builder tốt nhất cho WordPress

bởi | 08/12/2023

danh gia page builder wordpress

Trong bài viết hôm nay, mình xin phép chia sẻ trải nghiệm cá nhân về các page builder tốt nhất cho WordPres mà mình đã từng sử dụng. Như bạn đã biết, page builder là một công cụ không thể thiếu giúp tạo nên những trang web đẹp mắt và chuyên nghiệp mà không cần phải am hiểu quá sâu về lập trình. Lựa chọn một page builder phù hợp không chỉ giúp bạn tiết kiệm thời gian mà còn nâng cao hiệu quả công việc. Vậy làm thế nào để chọn được công cụ tốt nhất trong số vô vàn lựa chọn hiện có? Hãy cùng mình điểm qua 5 page builder cho WordPress hàng đầu dưới đây nhé!

Page builder cho WordPress là gì ?

Page builder cho WordPress là một loại plugin thường đi kèm với theme (giao diện) giúp bạn thiết kế giao diện trang web một cách dễ dàng và nhanh chóng. Bạn không cần phải biết code, mà chỉ cần kéo và thả các khối, yếu tố và template có sẵn vào vị trí mong muốn. Page builder cho WordPress có nhiều ưu điểm như tùy biến linh hoạt, tiết kiệm thời gian và chi phí, tăng khả năng sáng tạo và tương thích với nhiều theme WordPress.

Đánh giá page builder tốt nhất cho WordPress

Elementor

Elementor là một trong những page builder phổ biến và được yêu thích nhất hiện nay, với giao diện kéo và thả trực quan. Elementor là builder đầu tiên mà mình sử dụng khi bắt đầu học làm WordPress, nó có bản miễn phí, và cũng khá dễ học. Nếu bạn thường xuyên mua các giao diện cài sẵn (theme) trên các trang như Theme Forest thì đây là lựa chọn cực kỳ phù hợp cho bạn, bởi đến 99% các theme trên Theme Forest đều tạo từ Elementor. Cộng đồng sử dụng page builder này thuộc hàng đông nhất thế giới trong đó có cả Việt Nam, mọi bài hướng dẫn, hay thủ thuật đều có hướng dẫn đầy đủ. Nếu như thấy bản Pro của Elementor quá “chát” (49$/ năm), bạn có thể mua các plugin từ các nhà phát triển bên thứ 3 với mức giá mềm hơn. Phần này mình sẽ có bài riêng.

Elementor

  • Ưu điểm: Giao diện người dùng thân thiện, hỗ trợ đa ngôn ngữ, có một thư viện template phong phú. Hỗ trợ hầu hết các giao diện cài sẵn trên các chợ giao diện. Cộng đồng sử dụng đông đảo ngay tại Việt Nam.
  • Nhược điểm: Phiên bản miễn phí có hạn chế về tính năng so với phiên bản Pro.
  • Tính năng nổi bật: Live editing, responsive design controls, và hàng trăm widget.
  • Phù hợp cho: Người mới bắt đầu và các nhà thiết kế web chuyên nghiệp.
  • Giá cả: Có sẵn phiên bản miễn phí, phiên bản Pro bắt đầu từ $49/năm.
  • Link tải

Divi

Divi là một page builder mạnh mẽ của Elegant Themes, đi kèm với theme Divi. Trang blog cá nhân này và hầu như 80% các trang web WordPress mình làm cho khách hàng đều sử dụng Divi. Divi là page builder thứ 3 mình tiếp xúc, sau quá trình học sử dụng mình đã quyết định gắn bó với nó. Divi rất dễ tiếp cận, nhưng để giỏi thì khó, nó đòi hỏi người dùng phải học thêm các mã code bổ sung nếu muốn thành thạo. Tuy nhiên, nếu nhu cầu bạn không quá cao, chỉ muốn tạo blog hoặc một website giới thiệu cho công ty thì Divi rất phù hợp. Divi có tốc độ cao, cho phép tùy biến cực kỳ sâu.

Divi

So với các page builder khác thì Divi có đội ngũ phát triển rất năng động, họ thường xuyên cập nhật và ra mắt tính năng mới. Họ có sẵn một kho giao diện độc quyền đẹp mắt miễn phí, được thiết kế bắt trend, cập nhật thường xuyên. Các tính năng thời thượng như AI, điện toán đám mây, … đều được page builder này triển khai. Ngoài ra, nếu muốn làm nhiều việc hơn với Divi, bạn buộc phải thêm các plugin bổ sung (có cả miễn phí lẫn trả phí). Elegant Themes đã thành công khi tạo ra một hệ sinh thái xoay quanh Divi. Nhìn chung, Divi gói gọn trong định nghĩa: Đắt nhưng chất lượng. Dùng Divi bạn phải xác định sẵn là bạn phải đầu tư chất xám, hoặc đầu tư tiền bạc. Theme này ở Việt Nam khá kén người dùng, nhưng ở quốc tế thì rất được ưa chuộng, đặc biệt là các agency.

  • Ưu điểm: Giao diện kéo và thả trực quan, tốc độ nhanh mượt. Kho theme miễn phí chất lượng cao, nhiều tính năng thời thượng. Cộng đồng quốc tế sử dụng đông đảo.
  • Nhược điểm: Không có bản miễn phí. Cần phải học nhiều để thành thạo. Cộng đồng tại Việt Nam không có, khi gặp khó khăn phải tìm tài liệu nước ngoài.
  • Tính năng nổi bật: Real-time design, just-in-time suggestions, và hơn 800 bản dựng sẵn.
  • Phù hợp cho: Mọi đối tượng từ người mới bắt đầu đến các agency thiết kế web.
  • Giá cả: Cần mua gói thành viên của Elegant Themes để sử dụng, giá từ $89/năm. Bạn có thể mua trọn đời với giá 210$.
  • Link tải

Flatsome

Flatsome là một theme WooCommerce hàng đầu với page builder UX Builder tích hợp. Flatsome là page builder thứ 2 mình tiếp cận sau Elementor. Mình biết đến Flatsome thông qua một mã nguồn được chia sẻ từ internet. Ấn tượng đầu tiên là Flatsome rất rất dễ sử dụng, nhiều tính năng và giá bán khá rẻ. Cộng đồng sử dụng Flatsome ở Việt Nam đông không kém Elementor. Dù được tạo ra cho mục đích tạo các trang thương mại điện tử, nhưng nhờ việc dễ sử dụng, page builder này nhanh chóng phủ sóng khắp mọi mặt trận, từ web giới thiệu đến web bán hàng.

flatsomes

Các khóa học dạy website cho dân marketing thường lựa chọn page builder này vì nó dễ học, dễ “cờ rách” để dùng free (mình không khuyến khích dùng cờ rách nhé). Các agency ở Việt Nam cũng đặc biệt yêu thích Flatsome do chi phí rẻ, dễ tùy biến và có tốc độ cao. Tuy nhiên, nếu đặt sản phẩm làm từ Flatsome lên bàn cân với Elementor hoặc Divi, bạn sẽ cảm thấy Flatsome không thời thượng bằng (nếu chỉ sử dụng các tính năng mặc định). Để so sánh các page builder với nhau, mình sẽ có một bài phân tích chi tiết riêng.

  • Ưu điểm: Tối ưu cho cửa hàng trực tuyến, hỗ trợ SEO tốt, và có hiệu suất cao. Dễ học. Giá rẻ.
  • Nhược điểm: Không linh hoạt như các page builder khác khi sử dụng với các theme không phải là Flatsome.
  • Tính năng nổi bật: Live page builder, large element library, và responsive design options.
  • Phù hợp cho: Phù hợp với người bắt đầu học WordPress. Người dùng muốn xây dựng cửa hàng trực tuyến mạnh mẽ với WooCommerce.
  • Giá cả: $59 (Thanh toán một lần dùng trọn đời).
  • Link tải

WPBakery Page Builder

Trước đây được biết đến với tên gọi Visual Composer, về sau page builder này đổi tên thành WPBakery. WPBakery là một trong những page builder đời đầu. Nếu hỏi các bạn làm WordPress trong giai đoạn đầu những năm 2010s, thì không ai là không biết đến Visual Composer. WPBakery là nguồn cảm hứng cho các page builder sau này ra đời. Tuy không giữ vị thế độc tôn, nhưng WPBakery vẫn có cộng đồng sử dụng đông đảo tại Việt Nam và thế giới. Là page builder lâu đời, WPBakery được xem là ổn định nhất, ít lỗi.

WPBakery Page Builder

Tương tự như Elementor, WPBakery cũng được phủ sóng trên các trang bán theme như Theme Forest, … Page builder này có giao diện hơi phức tạo, nhưng khi đã thành thạo bạn sẽ thích nó đấy. Ngoài ra WPBakery cũng có nhiều plugin hỗ trợ, đủ khả năng giải quyết toàn bộ nhu cầu web của bạn. Giá cả cũng rất phải chăng.

  • Ưu điểm: Tương thích với hầu hết các theme và plugin khác, giao diện dễ sử dụng. Thích hợp với nhiều theme khác nhau.
  • Nhược điểm: Có thể hơi phức tạp cho người mới và giao diện không hiện đại như các đối thủ mới hơn.
  • Tính năng nổi bật: Frontend và backend editor, template system, và wide range of content elements.
  • Phù hợp cho: Những người thích sự ổn định, hay sử dụng theme mua từ các trang web bán theme.
  • Giá cả: $64 (Dùng trọn đời)
  • Link tải

 Avada

Cuối cùng trong danh sách này là Avada. Avada là một theme WordPress bán chạy nhất với Fusion Builder là page builder độc quyền của nó. Nếu truy cập vào Theme Forest, bạn sẽ thấy Avada luôn đứng top trong những page builder bán chạy nhất. Khác với các page builder đã kể ở trên, nếu đã sử dụng Fusion Builder của Avada, hầu như bạn không cần phải tải thêm các plugin bên thứ 3, chỉ mình Avada + Fusion Builder là quá đủ. Do đó nhược điểm của Avada là phải luôn đi kèm với Fusion Builder, nếu sử dụng theme khác thì Fusion Builder tương thích khá kém. Cộng đồng sử dụng Avada ở Việt Nam cũng không quá đông và mức độ phổ biến không thể so với Flatsome hay Elementor.

 Avada

 

  • Ưu điểm: Cung cấp hàng loạt các demo website để nhập vào và sử dụng ngay lập tức. Không cần mua thêm các plugin bên thứ 3 nếu không quá cần thiết.
  • Nhược điểm: Fusion Builder chỉ hoạt động tốt nhất với theme Avada; không có tính linh hoạt khi sử dụng với các theme khác.
  • Tính năng nổi bật: Fusion core plugin suite, advanced options network, và professional pre-built websites.
  • Phù hợp cho: Người dùng muốn có một giải pháp toàn diện từ việc xây dựng đến quản lý website.
  • Giá cả: $60 dùng trọn đời.
  • Link tải

Kết luận

Sau khi trải nghiệm 5 page builder tốt nhất cho WordPress hàng đầu hiện nay, mình có thể kết luận rằng không có plugin nào là hoàn hảo và phù hợp với tất cả mọi người. Mỗi plugin có những ưu điểm và nhược điểm riêng, cũng như mức giá và tính năng khác nhau. Tùy vào nhu cầu, mục đích và ngân sách của bạn, bạn có thể lựa chọn plugin phù hợp nhất cho mình.

Nếu bạn là người mới và muốn có sự trợ giúp tổng quát với giao diện thân thiện, Elementor là lựa chọn không tồi. Đối với những ai muốn xây dựng cửa hàng trực tuyến, Flatsome sẽ là lựa chọn lý tưởng. Trong khi đó, Divi phù hợp cho những người muốn có được sự tùy biến cao. Avada phù hợp cho những bạn không muốn cài quá nhiều plugin hỗ trợ từ bên thứ 3. WPBakery Page Builder lại thích hợp cho những ai quen thuộc với giao diện truyền thống và muốn tích hợp với nhiều theme khác nhau.

Mình hy vọng bài viết này đã giúp bạn có cái nhìn tổng quan và chi tiết về 5 page builder WordPress tốt nhất hiện nay. Bạn có thể tải và cài đặt plugin mà bạn thích tại các đường dẫn mình đã cung cấp ở trên. Mình cũng mong nhận được phản hồi và góp ý của bạn về bài viết này. Cảm ơn bạn đã đọc và chúc bạn thành công với trang web WordPress của bạn!

plugins​​​, review​​​, theme​​​, wordpress

Tác giả

Nguyễn Ngọc Tú

Nguyễn Ngọc Tú

Marketing manager & Content creator

Mình là Nguyễn Ngọc Tú, sáng lập của website. Mình đang làm trong lĩnh vực Quản trị Marketing và Sáng tạo nội dung. Cám ơn bạn đã đọc nội dung trên website này của mình, hi vọng nó sẽ hữu ích đối với bạn. Chúc bạn luôn hạnh phúc và tràn đầy năng lượng.

  Có thể bạn quan tâm